Mưa rồi. Không phải là thứ mưa nhão, ướt, đẫm nước, dịu dàng mà Cóc từng quen thuộc, có cảm giác mưa hơi rát, trơ như một tiếng cười khan. Gió cũng lạ lẫm, chúng rào rào đuổi nhau trên cao, trên ngọn cây, mái nhà. Gần mặt đất là một khoảng không lặng phắt, cả cái lá bìm bìm đeo trên vách chòi cũng không thèm ve vẫy. Cóc hơi lo lắng, sáng này nghe người ta bơi xuồng rôm rả đua nhau đi mua mì gói, họ nói bão tới rồi. Có thùng mì dằn trong tủ, người Thổ Sầu chẳng cần chằng chống, ràng rịt nhà cửa, cũng bình thản qua bão cấp Mười. Nghĩ tới đó, Cóc mắc cười.
Cóc ra cửa, ngó nghiêng. Mưa tạt ướt mặt. Đầm Sầu lặng ngắt. Trong màn mưa đục ngầu ngầu, những cái chòi lá nằm rải rác, thưa thớt, đờ đẫn. Bình thường, Đầm Sầu đã vắng người, vì đã qua mùa tôm cá, bây giờ lại thêm tin bão, đầm nước hoàn toàn hoang vu. Cóc thấy bão đã đến, thật gần.
Nhưng đôi người vẫn nằm kia, tỉnh bơ, lơ ngơ ngủ. Họ ra đây lúc xế chiều, khi trời vẫn còn một chùm nắng héo. Như thể họ tình cờ đi ngang qua căn chòi hoang này, tình cờ thấy người quen, và ghé lại. Người đàn ông chạy xuồng máy đến trước, phất áo quét sơ những bụi bặm, chửi cha mấy cái mạng nhện mắc trên tóc, sau đó nằm dài, nhịp chân, ca lửng tửng. Một hồi thì người phụ nữ tới, những nhát dầm của chị rất dè dặt, chần chừ. Và ngập ngừng, chị vẫn ngồi dưới xuồng, ngó xuống ngón chân:
- Ra đây để nói với anh, em… không thể… Có bão…
Anh cười, không nói gì, cầm tay chị, mơn man.
- Ừ, thì bão…
- Em sợ anh chờ nên mới ra nói anh hay. Có bão thiệt mà, anh.
Chị hụt hơi, bởi bàn tay nhỏ nhắn nhiều vết chai của mình vẫn bị nắm lấy, nâng niu. Từ đấy, không rời. Cóc ngó chị, nghĩ ngay, chị ta đã thua rồi, thua ngay từ ở trong bờ lá xa thẳm kia, khi quyết định hướng mũi xuồng ra đầm. Chắc mẻm, chị sẽ bước lên chòi. Cóc đếm một… hai… hai rưỡi… và cười, thấy chưa, thua rõ ràng.
Cóc cũng đã từng hẹn hò, nên Cóc biết. Nó bao gồm một chuỗi thua cuộc liên tục, mới đầu là sự choáng váng khi gặp gỡ, ra về, cảm giác thất bại sẽ đau nghiến lòng người ta, mắc mớ gì mình lại xao động dữ vậy cà, mình đâu có được xao động, mình đã không còn quyền xao động. Những lần gặp sau, thương nhớ sẽ thít chặt hơn. Đến một bữa, đàn ông bỏ nhỏ, “anh nhớ em quá, mình gặp riêng chỗ nào nghen”, ngay lập tức, người ta lắc đầu. Đàn ông vẫn cười, anh chờ em ở chỗ đó, chỗ đó, em không tới, chắc anh chết… Người ta thảng thốt, thôi, đừng chờ. Nhưng chính người ta lại chờ, đau đáu nghĩ về cuộc hẹn, lòng bảo không đi, không thể đi. Nhưng người ta bước xuống xuồng, bơi đến chỗ đó chỗ đó, nhưng đi một quãng khập khừng, lại muốn quay về, cắn môi nghĩ, thôi ra nói một câu để mắc công người ta kia chờ. Và sập bẫy. Trên đường về, cảm giác thua cuộc ấy rõ ràng hơn, người ta đay nghiến mình, tại sao mình lại đi, đã nói không gặp sao lại gặp? Đi, rồi sao nữa, ngày mai, tương lai?
Cóc đã từng hẹn hò, nên Cóc biết. Nặng nề. Thương tổn. Ngồi trong cái hốc nhà tối, nhìn ra, Cóc thấy ngậm ngùi, cho chị. Cóc biết chị, biết cả chồng chị, một người hay say, hay đứng phắt dậy giữa lúc nhậu, hỏi mấy thằng bạn, ê, đi với tao không ? Đám kia hí hửng hỏi đi đâu, anh ta cười phô hàm răng xếu xáo ra, “Đi đái!” rồi cười hơ hơ hơ, vô duyên dễ sợ. Chị thì ngồi đâu đó, chơi với thằng con mà dỏng lổ tai lên nghe xem chồng có gọi gì không, nướng con cá khô, hay gọt thêm mấy trái cóc, trái ổi. Chị héo hắt, lam lũ, lúc nào cũng khô quắt, cả lúc chồng không đánh, chị cũng gồng lên như gánh một gánh vô hình. Cóc không biết là chị cũng dịu dàng, sạch sẽ và đầy sức sống như bây giờ, như đang ngồi kia, bối rối gật đầu, lắc đầu, buộc phải nói thì chỉ hai tiếng: “Dạ” và “Thôi”, mặc cho người yêu nói tuôn tuôn, những nhớ thương liên tu bất tận. Rồi miệng không nói bằng âm thanh nhưng lời vẫn ngọt ngào. Sau đó, thì ánh nhìn cũng nói, vòng tay cũng nói…
Cóc không thể kể tiếp, bởi vì nó phải lấy tay che mắt. Không thể kể, bởi kể ra người ta sẽ phát hiện ra nó đang dòm lén qua kẻ tay, sẽ phát hiện ra Cóc cũng là giống như những kẻ tầm thường, miệng nói đạo đức, chê mấy chuyện trai gái là hạ tiện, tục tĩu nhưng với bạn tình vẫn háo hức. Cóc đổ thừa tại bàn tay không khép lại được, nhưng nhờ nhìn lén, nó phát hiện ra chuyện không may. Xuồng trôi. Cả hai chiếc đều tuột dây, bởi những bàn tay buộc chúng đều bồn chồn. Cứ như xuồng cũng thực hiện cuộc hẹn hò khác, chúng đủng đỉnh rời nhau, trôi hấp háy xa xa, như chẳng hề quen biết. Cóc hoảng hồn, nhảy chồm lên, kêu “Xuồng trôi kìa! Xuồng trôi mất tiêu kìa!”. Chỉ nghe chị yếu ớt nói, “Đừng anh… Có con cóc…”. Cóc thở dài, bây giờ có con voi ở đây thì cũng vậy thôi. Nên xuồng cứ trôi, chậm rãi, nhơ nhởn, đến khi không còn nhìn thấy trong tầm mắt nữa.
Lúc người phụ nữ giật mình thức dậy, thảng thốt quờ kiếm tấm áo thì hai chiếc xuồng đã gặp nhau ở một bờ lá nào. Cũng có thể chúng bị gió xô dạt về hai hướng khác. Như lúc này, mưa cũng bị gió giật, xé bừa ra, tơi tả, tạt ướt cả bắp chân chị, dẫn cái lạnh chạy buốt sống lưng. Chị hoảng hồn, kêu lên từng tiếng rời:
- Trời ơi! Anh! Ai lấy xuồng mình rồi. Mất hết rồi.
Cóc mắc cười, mưa bão như vầy ai mà mò ra giữa đầm lấy xuồng. Nó trôi rồi, bà chị ơi. Tui kêu rã họng, mấy người không nghe, ráng chịu. Người đàn ông mệt phờ ngồi dậy, thò đầu ra mưa, ngó quanh quất, giọng mệt phờ, ờ ha, mất tiêu. Trôi mất tiêu rồi. Giọng chị bỗng nghẹn lại, em làm sao về nhà được đây? Anh cười cười, chụp lấy tay chị, về làm gì, ở lại với anh. Mắt chị lạc đi, em làm sao về nhà được, bão tới sát bên rồi. Anh cũng là bão vậy, thêm cơn bão nữa nghen, anh vẫn mơn trớn. Cóc hơi bực, hãy nhìn chị ta đi, chị đang lo lắng sắp té xỉu rồi kìa. Chốc nữa cơn bão tới, căn chòi này chắc chắn bay mất, may lắm thì còn trơ lại cái sàn đóng bằng vạc cau. Sau đó thì sao? Nếu sống qua bão, thì cũng bị lạnh teo, đói meo, bởi ở đây hoàn toàn không mì gói. Cóc cũng đang đói, bầy muỗi dự cảm được bão, chúng nấp sâu vào bẹ những đám lá quanh đầm. Anh đã nhận ra sự bất an của chị qua bàn tay mướt mồ hôi, anh cười, sau bão thì người ta sẽ thấy mình ở đây, họ sẽ ra rước mình, em lo gì. Câu nói đó đã dìm chị sâu hơn vào vô vọng, chị rớt nước mắt.
- Người ta sẽ thấy hai đứa mình …
Chị thảng thốt. Những ý nghĩ bỗng bời bời, xấp xãi chạy trên gương mặt tròn, tái ngắt. Cóc thấy chị ngó nó, mà không ngó nó. Trống rỗng, tuyệt vọng.
- Bà con sẽ nghĩ nầy nghĩ nọ…
- Thôi mà, em. Mình sẽ nói là dọc đường bị bão, tình cờ gặp.
- Người ta đồn rùm lên…
- Thôi đi, em.
- Em biết nói sao với con em bây giờ ? Chị kêu lên, rúm lại, hức một tiếng, như ý nghĩ kia đã xuyên thẳng qua người. Anh nằm ngoẻo xuống, nửa như thật sự rã rời, nửa lại giống đang giễu cho vui. Nhưng chị không cười, chị vạch vách lá nhìn ra, như chiếc xuồng đang trốn ở đó, trêu cợt chị. Không có gì cả. Cóc ngó theo, nó cũng mong có một phép thần kỳ. Chị day vào, bắt gặp anh đang nhìn mình, giận dỗi, xa lạ. Cảm thấy mình hơi vô lý, chị cười, như ai đơm sẵn nụ cười, và chị gắn hờ lên miệng. Trời ơi, Cóc kêu lên, không vui mắc gì phải cười để chiều chuộng lòng nhau?
- Tại em sợ… Hồi xưa, em có nhỏ bạn. Đời nó buồn lắm, mẹ nó bị tù…
Anh cười khào, ứ hự, bất chấp mạng sống lặn lội hẹn hò trong mưa gió gầm gào, anh không chờ đợi để nghe câu chuyện lãng xẹt, chẳng dính gì tới chuyện tình mình. Nhưng chị vẫn kể, giọng thản nhiên, như thể câu chuyện đã làm chị bình tâm lại, như chuyện đó thì phải thì phải nói bằng ngữ điệu dửng dưng đó, bởi có phải chuyện của chị đâu, có phải nỗi đau của chị đâu.
- Mẹ nó làm giám đốc, nhưng thích cải lương, thích nghệ sỹ, xài nhiều tiền của công ty vô mấy chuyện hát hò. Có bữa, nghe Minh về hát bên Thổ Cường, bà chạy xe hơi gần hai trăm cây số để đem cho ông Minh mắc dịch đó ơ cá dứa kho tộ. Nhà báo người ta viết về vụ đó quá trời.
Anh lại mơn man cổ chân chị, bây giờ nó đã lạnh, cứng đờ như nước đá. Việc của anh là làm cho da thịt chị ấm lại, mềm ra, anh không đếm xỉa gì câu chuyện xa xôi đó, chỉ mỗi Cóc lắng nghe bi kịch của cuộc đời, bi kịch của đứa con bỏ nhà đi, vì xấu hổ, buồn tủi, không phải vì người mẹ ở tù mà vì ơ cá kho, không phải là ơ cá kho bình thường trên mỗi mâm cơm người ta hay mút mút, quẹt quẹt, mà ý nghĩ, ngoài ơ cái kho, phải còn cái gì nữa. Cái-gì đó thì ai cũng biết là cái-gì.
Cóc bỗng liên tưởng tới đứa con chị đang trốn bão trong căn nhà chỉ có mì gói, không dây chì, không bao cát. Nó sẽ qua khỏi cơn bão này, dù mái nhà có bay vèo, có đổ sập. Có gì đâu, bão lần nào cũng tan hoang, nhưng rồi sau bão, cả nhà nó sẽ bò ra từ gầm bộ ván ngựa, thu dọn, sắp xếp, cất lại cái nhà khác, nhỏ hơn, te tua, tuềnh toàng hơn. Đứa con sẽ đi qua cơn bão này gọn ơ vì mì gói đang có sẵn. Nhưng có một cơn bão khác mà cả đời nó cũng không đi khỏi, nó sẽ nhớ hoài chuyện mẹ nó cùng một người đàn ông xa lạ ở trong căn chòi giữa Đầm Sầu, khi ai nấy đều về nhà, về chỉ để nhìn nhau chứ không ngăn được cây đổ, nhà sập. Nhưng hai người đó không về, họ ở ngoài đầm, để làm gì thì không nói ra cũng biết làm gì.
Cóc muốn khóc, tội cho cái cảnh tận cùng tuyệt vọng của chị. Và tận cùng cô đơn, dù người đàn ông kia có (lại) siết chị vào lòng. Cóc mà là anh ta, Cóc chỉ ngồi im lặng, nghe câu chuyện của người bạn nào đó, nghe cái giọng dửng dưng, nhưng che tiếng tim người đang nhói. Đàn ông, trong máu có pha chất vô tâm, mà thằng cha này vô tâm hết chỗ nói, tới mức bi kịch “ơ cá kho” là của chị (ví dụ vậy, nghi nghi vậy) thì thằng chả cũng không biết cách nào để an ủi một tấm lòng đau.
Ngay cả tình yêu trong chị vừa giãy chết, anh ta cũng không biết, nên tay cứ miết mãi trên da chị, giờ đã lạnh như đồng. Mắt chị đã tắt ánh nhìn lấp lánh, cồn lên một chút thất vọng, một chút não nề. Đúng cái kiểu của Cóc khi người yêu bỏ về trước sau cuộc hẹn hò mây mưa. Lúc Cóc vẫn còn say ngủ. Cóc thức dậy, bạn tình đã nhảy xuống xuồng theo người ta vào trong xóm. Cóc chua chát, trời sanh nó có bộ da nhạy cảm, cái phổi nhạy cảm. Nó không trở về đất nữa. Căn chòi có bậc thang cũ, đuôi lá lệt phệt, che kín, con nước lên xuống đủ độ ẩm ướt, Cóc lấy làm nhà. Nó dần quên đời đau.
Để bữa nay chị lại là Cóc của một bữa xưa nào. Có thể thấy chị đang khóc lặng. Cóc ngó theo ánh nhìn của chị đang mông lung ngoài trời, cả Đầm Sầu là một khoảng mưa mờ và tối. Xa xa, đằng sau bờ lá, nhà chị ở đó, chữ nhà không bao gồm người chồng cười hơ hơ hơ, nhà-chị là đứa con đang ôm mền gối chui xuống dưới bộ ván mọt ăn lổ chỗ như cái rổ, nằm chèo queo. Nhà-chị đang hỏi, không biết làm sao mà mẹ chưa về, rốt cuộc mẹ đi đâu ? Nhà-chị không hề nghĩ, nếu biết mẹ đi đâu, làm gì nó sẽ bị bão quăng quật, hành hạ suốt đời.
Cóc lại gần chị hơn. Nó có thể nghe được tim chị bỗng đập rộn lên, tung phá những bức tường đang quây nhốt chị, ngạo nghễ trước cơn bão đang khoái trá lồng lên, hú hét. Cóc nghe thoáng một lời giã biệt, rất khẽ, hay là chị chẳng nói gì hết, chị nhảy ào xuống nước, nhanh như một cái nháy mắt, nhanh hơn cả khoảnh khắc Cóc đớp một con muỗi đói. Anh chồm theo, chẳng kịp ới lên, bàn tay chìa ra, chới với nhìn chị bươn bả vẹt sóng, nôn nả về phía bờ lá xa xăm. Cóc vói ngó theo, màn mưa che khuất tầm nhìn, thấy cái đầu chị rướn cao, nhấp nhô như con rùa đang bơi, đầm thì xa, rộng, sóng đang cồn lên, giận dữ. Không biết chị có đủ sức để chạm tay vào bờ đất ?
*
Những ngày sau bão, tôi thường một mình ra Đầm Sầu, tôi tự hỏi cơn gió nào đã hắt mẹ tôi khỏi xuồng, và nơi nào mẹ ngã xuống? Không đánh dấu được vào nước, tôi khắc lên be xuồng, gần lái, chỗ mẹ hay ngồi bơi.
Một lần, ghé lại căn chòi hoang, tôi thấy con cóc đang nhìn mình, như khóc. Hay vì tôi đang khóc, nên thấy vậy…
Truyện ngắn sưu tầm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét